Wednesday 12 August 2015

Nhớ rùa biển.... đi Hòn Cau, Tuy Phong, Bình Thuận

Những ngày hè oi ả vào mỗi đầu tháng 7 cũng là lúc nhóm tình nguyện viên (TNV) rùa biển khăn gói hành trang lên đường đến các bãi rùa đẻ.


Trải nghiệm công tác cứu hộ rùa biển tại hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo vào năm 2014, tôi lại hăng hái đăng ký vào đơn tình nguyện cho mùa rùa biển năm 2015 này. Lần này tôi chọn Hòn Cau cho công tác tình nguyện. Thật ra tôi vẫn nhớ đến Côn Đảo khi mùa rùa biển về. Mặc dù không được đi Côn Đảo như ý nguyện nhưng tôi vẫn cảm thấy rất "happy" theo ngôn ngữ dân phượt là vui vẻ, thoải mái đến những nơi chưa từng đi. Và rồi lại một mùa rùa đẻ nữa, tôi tiếp tục hành trình đến Hòn Cau, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận.

Đến Thị trấn Liên Hương vào chiều muộn ngày 04/7. Xe vừa đỗ bến, bao nhiêu mệt mỏi chờ đợi bỗng tan biến. Vừa xuống xe, một chị trông mũm mỉm dễ thương chào đón bằng một nụ cười tươi rói “Có phải anh chị là tình nguyện viên rùa biển không ạ?”, nghe sao mà mát lòng. Vì chỉ có một chiếc xe máy nên chị chở chị Hà đi cùng mình về khách sạn trước rồi sau đó quay lại đón mình. Tối đến Liên Hương trong thanh vắng tĩnh mịch, khách sạn Victoria như một lâu đài sáng loáng lên thật hoành tráng. Trái ngược với vẻ sang trọng, tiện nghi của khách sạn đó là giá phòng ở đây lại rất đãi ngộ, chỉ 150.000 đồng một đêm. Có lẽ đó là điều bất ngờ thú vị khi lần đầu tiên đến với Liên Hương.

Sáng ngày 05/7, mọi người gặp nhau ở Ban quản lý Khu bảo tồn biển. Sau khi tập hợp các bạn TNV lại, ban quản lý sắp xếp cho cả đội di chuyển về bến tàu và chuẩn bị cho hành trình vượt sóng đến với Hòn Cau. Lăn la trên sóng khoảng 20 phút, Hòn Cau hiện ra trước mắt với bao tò mò muốn khám phá. Hào hứng và thích thú trước những đợt sóng cứ liên tiếp vỗ vào vách đá rầm rầm, phút chốc cứ tưởng cá bay lên va vào đá sẽ chết ngay ra và mình chỉ cần đi nhặt mà không cần phải vất vả đi bắt nó. Cặp bến, đội TNV nhanh nhảu chuyển hành lý, dụng cụ nấu ăn và cả thức ăn mà các anh chị Khu bảo tồn đã chuẩn bị từ sớm lên trạm. Chốt trạm được xây kiên cố bằng bê tông, rộng khoảng 30 m2, phòng thoáng mát, có 3 giường ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh, bồn trữ nước bên trong. Mọi thứ đều ổn thỏa. Nhưng vấn đề lớn nhất ở trạm mà mình nghĩ rằng khi chỉ ở trạm mà cho cả hòn đảo này đó chính là nước sinh hoạt.

Bố trí, sắp xếp gọn gàng đồ đạc xong mọi người tập trung lại để nghe anh Lập đội trưởng phổ biến nội dung chương trình bảo tồn rùa biển tại Hòn Cau. Trước hết mọi người giới thiệu một ít về bản thân sau đó tiếp tục nghe anh Lập trình bày về chương trình bảo tồn tại đảo. Nhìn chung nội dung này cũng khá giống như đợt tình nguyện trước. Các bạn TNV đợt này cũng là các bạn TNV Côn Đảo năm rồi nên cũng nắm và hiểu các công việc phải làm là gì, đó cũng là điều thuận lợi. Trước khi ra đảo mình cũng đã chuẩn bị tinh thần là không có nhiều việc để làm như ở Côn Đảo, nhưng nhủ lòng mọi thứ đều mới lạ và còn rất nhiều thứ để trải nghiệm cho dấu chân làm tình… nguyện viên này. Các anh cũng nói rõ là ở Hòn Cau mặc dù đã có rùa lên đẻ nhưng rất ít. Tháng 7 cũng là mùa rùa về bờ đẻ trứng nhưng không phải lúc nào cũng có thể gặp được rùa. Ngoài công việc tuần tra biển trong khu vực bảo tồn, dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị các bữa ăn và phân công rửa chén bát thì công việc chính vẫn là tuần hành ra bãi đẻ cách trạm khoảng 30 phút đi bộ. Công việc không quá vất vả nhưng có điều thú vị đến rợn người là mỗi tối đi tuần hành mọi người phải mang ủng hoặc mang giày đi tất cao để tránh bị rắn cắn. Ban đêm, rắn hay ra phơi mình giữa lối đi, vì rắn đảo nọc độc khôn lường, có thể mất mạng nếu không cứu chữa kịp thời. Dù chưa nghe ai nói có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra nhưng bằng kinh nghiệm nhìn rắn, mình thật phát khiếp với các loại rắn ở đây. Sợ - không còn là cảm giác ghê gớm nữa! có lẽ những trải nghiệm đã trở thành những câu chuyện, và dăm ba kinh nghiệm dù là ít ỏi nhưng cũng hữu ích cho việc phòng tránh rắn độc trong những chuyến đi tiếp theo.
[…]
Câu chuyện về Hòn Cau sẽ còn rất dài, vì đó là cái duyên cho những ai đã từng đến đảo. Được ngắm san hô, được đắm mình trong làn nước mát, được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng có thể nói là tuyệt đỉnh của nghệ thuật ẩm thực địa phương, đó có thể xem là những đãi ngộ mà chuyến đi mang lại.


Không được nhìn ngắm rùa biển thỏa thích hay hồi hợp những lúc lấy trứng lên ra khỏi tổ hay được tận tay thả những rùa con về với biển mẹ Bảy Cạnh, nhưng Hòn Cau còn đó những câu chuyện mới chưa ai biết, chưa ai kể, những tiềm năng hệ sinh thái biển đa dạng, những rặng san hô lung lung trong nước sẽ là nơi cư ngụ cho vô số loài sinh vật biển. Biết đâu, rùa biển sẽ tìm đến dễ dàng hơn nơi hòn đảo đầy nắng và gió nhưng rất đổi hoang sơ thanh vắng này vào một ngày không xa, hứa hẹn cho những chuyến tình nguyện tiếp theo để các bạn có thể phần nào giúp các anh thêm sức lực, mạnh dạn đối chọi những hiểm nguy mà tội phạm biển ngày càng hung hăng khai thác tài nguyên quanh đảo để rồi ảnh hưởng đến bãi đẻ của rùa mà từ lâu Hòn Cau vốn là ngôi nhà mà giờ khó mà quay lại.


Mỗi chuyến đi đều để lại những dấu ấn mới, những kinh nghiệm mới cho những tấm lòng, những bài học giá trị mà không ngôi trường nào dạy. Nhân đây, một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn IUCN Việt Nam, các bạn, các anh chị đã bằng nhiều cách tạo điều kiện tốt nhất để chuyến đi trở nên thuận lợi và qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ, tình đoàn kết cho những người đứng cùng chiến tuyến vì môi trường, vì một thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp.

No comments:

Post a Comment