Sunday, 20 July 2014

Memorial journey at Bay Canh island - Con Dao

Những ngày ngắn ngủi tại hòn Bảy Cạnh - Côn Đảo là chuỗi kỷ niệm khó quên trong tôi qua chuyến hành trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển mà IUCN tổ chức.
Khó quên bởi vì có quá nhiều điều bất ngờ đến không tưởng. Sáu bạn tình nguyện viên là sáu cá tính độc đáo và ở chính mỗi bạn đã để lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Nhóm tình nguyện viên kỳ này ở các độ tuổi khác nhau từ các bạn ở các độ tuổi 9X,  8X và cả 7X. Đặc biệt là vì đa số các bạn ở độ tuổi quá trẻ so với tôi. Duy chỉ có mỗi chị Hà lớn hơn tôi. Xuất phát từ đó, vô tình tôi và chị Hà gần như rơi vào tình huống làm "anh nuôi" hay "chị nuôi". Trong các hoạt động, hầu như tôi là người đi đầu vì một phần nghĩ đến ý thức trách nhiệm, một phần tôi nghĩ mình “già” hơn các bạn nên xung phong làm trước, ví như nhắc nhở các bạn giờ giấc sinh hoạt, tiết kiệm điện nước, tuân thủ quy tắc làm việc hay từ việc rửa bát, giặt quần áo, dọn vệ sinh, quét nhà...

Ngoài công việc phân công trực các chốt bãi rùa đẻ, các công việc còn lại và cả trong sinh hoạt chúng tôi cùng chung tay thực hiện. Ở hòn Bảy Cạnh, công việc trực trạm khá vất vả. Vì các chốt trực trên Hòn ở cách xa Trạm, hơn nữa con đường đến các chốt không phải lúc nào cũng dễ đi, có lúc các anh phải tuần hành trên các bãi san hô cạn ven biển khi thủy triều xuống, có lúc các anh phải tuần hành trên các lối mòn trên rừng. Khi trời mưa, hay những lúc thủy triều lên là những lúc các anh phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Có ba chốt trực trên Hòn, chốt đầu tiên là Bãi Cát Lớn, chốt này gần nhất vì nó nằm ngay Trạm kiểm lâm, chốt thứ hai là Bãi Xi Măng và chốt xa nhất là Bãi Sạn.
Chốt bãi Xi Măng


Sau buổi họp để bố trí lịch trực, tôi cùng hai bạn TNV gồm Trung và Đức xung phong trực chốt bãi Xi Măng ngay trong đêm đầu tiên đến với đảo. Vì háo hức được đến trạm trực để có thể hết mình thực hiện nhiệm vụ "đỡ đẻ" cho “bà” rùa nên tối đó tôi đã ăn vội vàng và ăn thật no để có sức tuần hành cùng các anh. Vì là ngày đầu tiên, tôi chưa hình dung ra được hết công việc mình sẽ phải làm là gì, nên tôi chỉ biết làm theo sự hướng dẫn của các anh. Đêm đầu có lẽ là đêm “khai chiến”, bởi anh kiểm lâm - tên là Thành - dẫn chúng tôi đến trạm xong thì anh phải vội vàng chạy về trạm truy đuổi tàu cá đánh bắt trái phép ngay bãi trước Trạm. Vừa chờ anh quay lại, tôi tranh thủ dọn dẹp chổ nghỉ ngơi và mắc võng sẵn sàng cho buổi tối. Muỗi bay là đà, không thể hiểu nổi tôi đi miền Tây người ta bảo “muỗi kêu như sáo thổi”, thì ở đây tôi vơ tay cũng bắt được cả nắm tay. Bỗng chốc tôi nghe vài phát súng, thấy hơi lo vì nghĩ rằng có sự xung đột. Một ít sau đó, mừng thay anh đã quay lại và trông có vẻ buồn bã vì không bắt được tàu đánh bắt trộm trong khu vực bảo tồn, mặc khác anh có vẻ mệt lã người khi vừa dẫn chúng tôi đến chốt lại phải chạy về xử lý vụ đánh bắt trộm rồi đi bộ quay lại. Thế mới thấy nổi khó khăn vất vả của các anh lúc làm nhiệm vụ. Liên tưởng các anh như các chiến sĩ trực đồn biên phòng, hy vọng tương lai tốt đẹp sẽ đến để các anh có thêm chức năng thực hiện nhiệm vụ. Có thể câu trả lời đang chờ đợi Quốc hội xem xet một trong các đề án về việc chuyển ngạch kiểm lâm sang cảnh sát kiểm lâm.

Đêm thứ hai, vô tình tôi bị ép vào thế phải trực tại chốt bãi Xi Măng một lần nữa thay vì tôi sẽ trực ở một trong hai bãi khác. Theo phân công, mỗi chốt chỉ có hai TNV, mà các bạn ai cũng muốn trực ở chốt Bãi Sạn- chốt xa nhất, có lẽ ai cũng muốn chinh phục nơi xa nhất trước. Không còn cách nào tôi, Trung và Đức thống nhất để những bạn còn lại ưu tiên chọn khu vực trực. Cuối cùng tôi và Trung phải trực lại bãi Xi Măng trong đêm thứ hai, để cơ hội trực bãi Sạn cho chị Hà và Đức. Số đã định là tôi không được gặp rùa đẻ, nên cả hai đêm mà rùa cũng không chịu lên đẻ. Mặc dù đêm nào rùa cũng lên đào tổ để đẻ, nhưng khi chúng đào được một lúc lại gặp hết vật cản này đến vật cản khác chúng đành phải bỏ về biển.

Đêm thứ ba là đêm đáng nhớ nhất, cao trào nhất khi hai đêm đầu tiên cả tôi và bạn Trung chưa được tận mắt thấy rùa đẻ và thực hiện công tác cứu hộ. Do vậy, đêm đó tất cả TNV tập trung ở bãi Cát Lớn. Bãi này rùa lên đẻ nhiều nhất trong ba bãi. Không biết có phải là đêm cuối nên mọi thứ đều đáng nhớ, các bạn TNV trở nên thân thiết với nhau hơn. Cả bọn cùng tranh thủ lúc rảnh rổi ngồi tám chuyện, nghêu ngao ca hát đến nổi chị Hà bảo "chúng mày hát kinh quá, nhưng vì quá mệt nên thẳng một giấc". Đêm thứ ba, thủy trều cũng lên muộn hơn thường ngày, thay vì 11 giờ đêm rùa đã lên bãi đẻ, nhưng đêm ấy đợi mãi hơn 12 giờ mà rùa vẫn chưa lên đẻ. Mọi người trêu tôi có số "sát rùa" nên trực ngay bãi chính mà rùa vẫn không chịu lên đẻ. Nhưng tôi vẫn không chút buồn bã, vì tôi nghĩ rằng, mỗi đêm trực đều cho tôi những kinh nghiệm và bài học hữu ích về rùa biển. Trời không phụ lòng người nên gần 1 giờ sáng rùa lên bãi, một, hai, ba và con thứ tư đều lên bãi đẻ. Tôi bắt đầu mỉm cười trong bụng. Theo dấu chân các anh để bắt đầu công tác tuần tra và quan sát rùa đẻ và tiếp theo sau là tôi chuẩn bị cho việc di dời trứng về bãi ấp. Tôi được anh Hoàn ưu tiên hơn vì anh thấy tôi qua hai đêm rồi mà vẫn chưa thấy được rùa đẻ nên khi rùa lên đẻ anh cho tôi vào xem trước. Tôi được anh soi đèn pin từ phía sau rùa để tiện cho việc quan sát, quay phim và chụp ảnh. Đợi rùa đẻ xong, tôi được anh hướng dẫn xác định tổ trứng và anh cũng hướng dẫn tôi cách đào tổ lấy trứng. Cầm trứng rùa trên tay, tôi cảm nhận sự mềm mỏng, non nớt từ vỏ bọc bên ngoài nhưng rất vững chắc đang chứa đựng sinh linh rùa con trong đó, vì thế tôi cũng rất nhẹ nhàng và cẩn thận lấy từng quả trứng di dời ra khỏi tổ. Di dời xong tôi đưa tất cả số trứng đó đem về bãi ấp. Về đến bãi ấp, tôi đào tổ tương tự tổ mà rùa làm trên biển, sau đó đặt trứng vào trong tổ và làm theo hướng dẫn của các anh để hoàn thành công tác cứu hộ trứng rùa biển. Cảnh tượng rùa đẻ, thật sự thiêng liêng, rùa đẻ về ban đêm trong tiếng sóng biển rì rào đã để lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho tất cả mọi người đêm đó. Cảm ơn tất cả các anh ở Trạm kiểm lâm, đặc biệt là chú Anh – Trạm trưởng, chú đã lo âu vì sợ chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ, lo lắng vì sợ chúng tôi không thấy được rùa đẻ, đêm đó chú đã thức cả đêm cùng chúng tôi làm nhiệm vụ. Và  không làm phụ lòng chú tất cả chúng tôi thực hiện công tác cứu hộ rùa biển thành công.

Di dời tổ ấp trứng


Khoảnh khắc ngắm rùa đẻ hay lúc cầm quả trứng bé nhỏ trên tay hay lúc thả rùa con về với biển cả thật sự khó quên trong tôi, đây cũng là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình. Tôi thầm mơ đến một cơ hội khác để quay lại đảo, để cảm ơn các anh một lần nữa, vì có các anh số trứng rùa được cứu hộ khỏi những hiểm họa xung quanh. Các anh kiểm lâm thật sự rất vất vả, vì là người làm trong ngành lâm nghiệp nên tôi hiểu được sự vất vả đó. Nhưng phải nói thật, tôi rất ấn tượng các anh kiểm lâm trên Hòn Bảy Cạnh vì tôi chưa đi nơi nào mà hầu như không có mùi rượu trong công việc. Tôi thật sự không biết ở một góc cạnh khác, nhưng những gì diễn ra trong suốt hành trình TNV đã làm tôi nhớ mãi – đó là những hình ảnh đẹp, hình ảnh những anh kiểm lâm cần mẫn vừa bảo vệ rừng, vừa cứu hộ những tổ trứng rùa bé nhỏ hay nói cách khác công việc của các anh chính là đem lại sự sống cho bao thế hệ rùa con ngày càng có nguy cơ tiệt chủng trên hòn đảo xinh đẹp này.

Thả rùa con về với biển cả

No comments:

Post a Comment